ĐỨC QUỐC - Vào sáng Chúa Nhật 12.06.2011, tại hội trường chính vào khoảng 9g15, mấy trăm tham dự viên đã hiệp thông cầu nguyện qua bài hát Cầu xin Chúa Thánh Thần. Giờ thuyết trình do cha Stêphanô Lưu điều hợp. Sau lời giới thiệu và chào mừng ngắn gọn, Đức Ông Phêro Nguyễn văn Hiền, đến từ giáo đô Roma, đã trình bầy đề tài 1 của chủ đề Đại Hội năm nay: “Đường Hy Vọng” của Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: Chứng Nhân Hy Vọng
I. Tiểu sử tóm lược
Sinh ngày 17.4.1928 tại Phủ Cam- Huế
Thụ phong Linh mục ngày 11.6.1953
Du học Giáo Luật tại Đại Học Urbaniana, Roma năm 1956. Tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo Luật 1959.
Được tấn phong Giám Mục tại Huế ngày 24.06.1967
Giám mục Giáo phận Nha Trang từ 1967-1975
Được Toà Thánh bổ nhiệm Tổng Giám Mục Phó Tổng Giáo phận Sài Gòn ngày 23.4.1975
Bị mất tự do từ 15.8.1975 đến 24.11.1988 (13 năm)
Định cư tại Roma, Ý từ tháng 11 năm 1991
Phó chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý Hoà Bình 24.11.1994
Chủ tịch Hôi Đồng Giáo Hoàng về Công Lý Hoà Bình ngày 24.6.1998
Mùa chay năm 2000 ngài giảng tĩnh tâm cho Giáo triều Roma
Lãnh tước Hồng Y ngày 21.2.2001
Qua đời ngày 16.9.2002 tại Roma.
Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình xin mở án phong thánh cho ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ngày 17.9.2007
Tòa Giám Mục Roma chính thức mở án phong thánh cấp giáo phận cho ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ngày 22.10.2010.
II. Chứng Nhân Hy Vọng
Cách đây gần 4 năm, ngày 17.9.2007, Đức Hồng Y Martino, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, đã xin phép đặc biệt để cùng với tất cả nhận viên của Hội Đồng, Hội San Matteo và thân nhân của Cố Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê, được tiếp kiến riêng với Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI tại khu nghỉ hè ở Castel Gandolfo, cách Roma khoảng 30 cây số. Mục đích của cuộc tiếp kiến này là trình báo với Đức Giáo Hoàng về quyết định xin mở án cho Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình.
Trong dịp này, Đức Giáo Hoàng đã tóm lược cuộc đời và nhân đức của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê bằng những lời sâu sắc và vắn gọn sau đây: “Đức Hồng Y Thuận là một con người của Hy Vọng. Ngài sống bằng Hy Vọng và Ngài phổ biến Hy Vọng cho tất cả những ai Ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Ngài chống lại được tất cả những khó khăn thể lý cũng như tinh thần”. Và Đức Giáo Hoàng giải thích: “Niềm hy vọng ấy đã nâng đỡ Ngài khi bị cô lập, khi phải xa cách cộng đoàn giáo phận trong 13 năm dài. Niềm hy vọng ấy cũng đã giúp Ngài nhận ra trong sự vô lý của các biến cố xảy ra cho mình, luôn có một kế hoạch của Chúa Quan Phòng – Đức Hồng Y không hề được xét xử trong thời gian lâu dài bị giam cầm”.
Thật vậy, trong suốt những năm tháng tù đày, mất tự do, khó khăn về mọi phương diện, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vẫn luôn sống lạc quan và hy vọng. Và niềm hy vọng này đã được Ngài tiếp tục sống một cách mãnh liệt trong suốt quảng đời còn lại cho tới khi từ giã trần thế vào ngày 16.9.2002.
Không những sống hy vọng một cách quyết liệt triệt để và đầy xác tín, Ngài còn truyền đạt tinh thần hy vọng cho tất cả những ai Ngài có dịp tiếp xúc, gặp gỡ. Rất nhiều cán bộ, sĩ quan, lãnh đạo tôn giáo của Miền Nam bị đưa ra Bắc học tập cải tạo trên chuyến tàu thủy vào cuối năm 1975, đã nhờ tiếp xúc với Ngài mà tìm lại được bình an và hy vọng. Nhiều sĩ quan, cán bộ Miến Nam học tập tại trại Vĩnh Quang, Vĩnh Phú, cũng đã tìm lại được niềm vui sống nhờ gặp gỡ và chứng kiến cách sống của Ngài. Và đặc biệt, trong thời gian bị quản chế ở Giang Xá từ tháng 5 năm 1978 đến tháng 11 năm 1982, rất nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân và cả những người bên lương đã được củng cố niềm hy vọng và an bình sau khi đến tìm gặp Ngài. Và sau này, trong thời gian làm việc taị Giáo Triều Roma, rất nhiều người Việt Nam cũng như ngoại quốc, đạo cũng như đời, đã tìm được niềm vui trong cuộc sống nhờ gặp gỡ và tâm sự với Ngài.
Nói tóm lại, về cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, rất nhiều kỷ niệm đã được thuật lại nhưng hình ảnh rạng ngời của Đức Hồng Y còn lưu lại sâu đậm trong tâm hồn mọi người là nụ cười đôn hậu và lối sống bình dị, vui tươi của Ngài như một chứng nhân cho niềm hy vọng, một niềm hy vọng vừa siêu nhiên vừa nhân bản, bởi vì Ngài luôn hy vọng vào Chúa và cũng không bao giờ mất niềm hy vọng vào người khác vì tin tưởng Chúa có thể biến đổi cuộc đời của họ thành tốt hơn.
Vì thế, cũng không có gì ngạc nhiên khi những tác phẩm của Đức Cố Hồng Y đều tập trung vào chủ đề Hy Vọng. Ngay sau khi bị Nhà Nước đưa từ Sài Gòn về quản chế ở Cây Vông, Nha Trang, vào tháng 8 năm 1975, Đức Cố Hồng Y đã tranh thủ đêm ngày viết cuốn “Đường HY Vọng” với 1001 câu suy niệm ngắn gọn để giúp giáo dân sống đạo một cách kiên vững trong hoàn cảnh mới của đất nước. Tiếp đến, trong thời gian quản chế ở Giang Xá, cách Hà Nội 17 cây số, từ 1978 đến 1982, Ngài cũng đã viết thêm hai cuốn sách dựa trên chủ đề hy vọng. Đó là cuốn “Đường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II” và cuốn “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng”. Những năm biệt giam sau đó, Ngài đã viết khoảng 400 bài suy niệm bằng tiếng ngoại quốc, làm thành tập “Cầu Nguyện Hy Vọng”. Và cuối cùng, trong dịp giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và giáo triều Roma vào năm 2000, Ngài cũng đã chọn đề tài Hy Vọng và chọn tên “Chứng Nhân Hy Vọng” cho tập sách 22 bài suy niệm này.
Thật ra, trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, hy vọng không bao giờ là một nhân đức độc lập, tách rời khỏi đức tin và đức mến. Nói cách khác, đức tin, đức cậy hay hy vọng và đức mến luôn liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Người có đức tin thật, phải là người luôn sống tinh thần hy vọng và yêu mến tha nhân. Chính vì vậy, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thánh lễ an táng của Đức Cố Hồng Y ngày 20.9.2002, sau khi tuyên dương Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê là Chứng Nhận Đức Tin và là Chứng Nhân Hy Vọng, Ngài đã nhấn mạnh đến đặc điểm đức ái nơi Đức Hồng Y bằng chính những lời của Đức Hồng Y: “Trong vực thẳm của khổ đau, tôi không bao giờ ngừng yêu mến mọi người. Tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi”. Và Đức Cố Giáo Hoàng cũng nhắc lại di chúc tinh thần của Đức Cố Hồng Y: “Tôi thanh thản ra đi và không giữ trong lòng bất cứ oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse”. Và Ngài kết thúc như sau: “Đức tin đã xác tín cho chúng ta rằng Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã không chết nhưng đã bước vào cuộc sống vĩnh hằng nơi mà mặt trời không bao giờ lặn.”
Sự liên kết chặt chẽ không thể tách rời giữa đức tin, đức cậy và đức mến này cũng đã được Đức Hồng Y triển khai một cách sâu sắc trong bài diễn văn nói về cuộc đời của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê trong dịp mở án chính thức cấp giáo phận tại Roma ngày 22.10. 2010.
Trước khán phòng chật ních người tham dự tại Tòa Giám Mục Roma cùng với sự hiện diện của khoảng 12 Hồng Y, 15 Giám Mục trong nghi thức mở án phong Chân Phước, Đức Hồng Y Agosto Vallini, Giám Quản Giáo Phận Roma, đã đọc một diễn văn đầy xúc động về cuộc đời Đức Hồng Y Thuận. Ngài tự hỏi: “Đâu là bí quyết đã cho phép Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đối diện với nghịch cảnh khắc nhiệt như vậy? Đâu là nguồn mạch thiêng liêng mà ngài đã kín múc sức mạnh nội tâm để có thể vượt qua nỗi nhục nhằn, và đâu là những nét nổi bật làm rạng ngời diện mạo mục tử nơi vị Đầy Tớ Chúa này?”
Đức Hồng Y Vallini chia sẻ vài cảm nhận về hành trình nội tâm trong đời sống của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê như sau:
1. Đức tin kiên vững
Khi nói đến niềm tin của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê, Đức Hồng Y Vallini đã dùng hình ảnh của Tổ Phụ Abraham để diễn tả sự tín thác hoàn toàn của ngài vào Thiên Chúa, một đức tin không nao núng vọt trào thành năng lực nuôi dưỡng niềm hy vọng. Đức Hồng Y Vallini phân tích: “Một phần quan trọng trong đời sống thiêng liêng của Đức Hồng Y Thuận được bắt nguồn từ nền giáo dục trong gia đình ngay từ thiếu thời. Những buổi tối mẹ của ngài thường kể cho con cái nghe về những câu chuyện trong Kinh Thánh và những gương tử đạo của cha ông trong dòng họ, cũng như tập cho con cái thói quen lần hạt trong gia đình. Tất cả đã hun đúc nơi ngài một lòng đạo sâu xa, bình dân. Chính những thực hành đạo đức và hoài niệm quý giá này đã giúp Ngài đứng vững trước mọi khó khăn thử thách.”
“Yếu tố thứ hai làm nên sức mạnh nội tâm của Đầy Tớ Chúa, Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là Lời Chúa và Thánh Thể. Trong trại giam, ngài đã không xao nhãng việc cầu nguyện. Ngược lại, ngài đã làm cho việc cầu nguyện trong hoàn cảnh này trở nên thâm trầm, liên lỷ, riêng tư và sống động hơn. Không có sách nguyện, ngài nhớ lại những bài thánh ca, thánh vịnh và cầu nguyện bằng cả những lời kinh tự phát từ đáy lòng mình. Không có sách Thánh bên mình, ngài đã dùng từng mẩu giấy nhỏ, viết lại khoảng 300 câu Lời Chúa – suy đi ngẫm lại hàng ngày. Khi không có nhà thờ để cử hành Thánh Lễ, thì bàn tay của ngài đã trở thành bàn thờ. Hồi tưởng lại quá khứ, ngài viết: “Tôi không bao giờ diễn tả hết được niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Đó đã là bàn thờ của tôi, là Nhà thờ Chính Toà của tôi!... Đó đã là những thánh lễ đẹp nhất trong cuộc đời của tôi”
“Yếu tố thứ ba trong hành trình thiêng liêng của Đầy Tớ Chúa phải kể đến lòng trung thành với Đức Thánh Cha và với Giáo Hội. Mặc dù đang gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp trong công việc mục vụ tại Giáo Phận Nha Trang, khi hay tin được Toà Thánh bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Mục Phó Sài Gòn, ngài đã sẵn sàng rời bỏ dù trong lòng buồn khổ vì phải chia lìa “mối tình đầu” trong sứ vụ Mục tử của mình. Sự vâng phục tuyệt đối trước mỗi quyết định của Mẹ Giáo Hội đã nói lên một cách hùng hồn tấm lòng con thảo của Đầy tớ Chúa. Và bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ngài cũng làm cho sự vâng phục của mình trở nên tích cực để mưu ích cho nhiều người. Thật vậy, trong hoàn cảnh mất tự do, Ngài đã bắt chước Thánh Phaolô Tông Đồ viết thư cho các cộng đoàn tín hữu, dùng ngòi bút của mình để tiếp tục hướng dẫn đoàn chiên sống đức tin và nuôi dưỡng niềm hy vọng.”
“Đời sống đức tin của Đức Hồng Y Thuận rạng ngời như những vì sao trên bầu trời. Đức tin ấy càng rực sáng khi bóng tối của hoàn cảnh càng dày đặc. Người ta thường hay nói đến Đức Hồng Y Thuận với thời gian lao tù. Thực sự ngài cũng hay nhắc đến những ngày tháng này, nhưng ngài đã coi 13 năm này như một cuộc đối thoại không tự chọn với Thiên Chúa, một khoàng thời gian Chúa đưa ngài vào sa mạc để ngài có cơ hội kết hiệp thân tình và tinh ròng hơn với Thiên Chúa. Ngài thật sự biết mình đặt niềm hy vọng vào ai!”
2. Hy vọng không phai mờ
Điểm nổi bật trong đời sống của Đức Hồng Y Thuận là niềm hy vọng. Trong những hoàn cảnh hầu như tuyệt vọng, ngài vẫn luôn sống trong hy vọng, một niềm hy vọng được xây dựng trên nền tảng đức tin. “Đường Hy Vọng” là một trong những tác phẩm ngài viết trong thời gian mất tự do.
Niềm hy vọng chính là sức mạnh giúp ngài yêu mến cuộc sống mỗi ngày. Ngài viết: “Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại. Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó (ÐHV 997).
Một cách đơn sơ, ngài vạch ra con đường nên thánh bằng những chấm hy vọng:
Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Ðời hy vọng do mỗi phút hy vọng. (ĐHV 978)
Vượt trên niềm hy vọng mang tính trần thế, Đức Hồng Y Thuận đã canh tân từng “chấm” trên hành trình đời sống bằng giao ước đối với Thiên Chúa. Lời nguyện tắt hàng ngày với Chúa Giêsu: “Giêsu, con yêu ngài, cuộc sống của con luôn là một ‘giao ước mới và vĩnh cửu với Ngài’”
Trong vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hòang về Công Lý Hoà Bình, Đức Hồng Y Thuận tiếp tục làm chứng cho niềm hy vọng qua những buổi nói chuyện, hội thảo tại nhiều đại hội, quốc gia và những sách ngài viết ra. Với nỗ lực sống và làm chứng cho niềm hy vọng, cũng như cho công lý và hoà bình trên thế giới, ngài đã nhận được nhiều giải thưởng từ các tổ chức, quốc gia ban tặng. Sự phục vụ với niềm hy vọng của ngài đã thổi vào xã hội luồng gió mới và chinh phục nhiều cõi lòng con người, vì đó là hiệu quả của một niềm hy vọng bừng nở bởi đức ái.
3. Bác ái tuyệt hảo
Năm 1991, khi ở tại Toà Giám Mục Hà Nội, Đức Hồng Y Thuận có dịp gặp gỡ Mẹ Teresa Calcuta. Có lần, Mẹ viết thư cho ngài: “Ðiều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc”
Đây là một trong những kinh nghiệm Đầy Tớ Chúa gặt hái qua thời gian “sa mạc”. Ngài đã từng băn khoăn: Làm sao yêu thương đến cao độ trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là "đẹp nhất" của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa...
Quyết định này đã được thực hiện cách hữu hiệu bằng con đường yêu thương. Một tình yêu có sức biến đổi, khiến ai gặp ngài cũng có thiện cảm và trở thành bạn.
Trong một tiểu sử viết về ngài có đoạn mô tả: “Hiền lành và tươi cười, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã luôn đón tiếp khách bằng bước chân tiến đến với hai cánh tay giang rộng, dấu hiệu của sự chào đón. Với ngài, người ta cảm thấy an tâm và được nâng đỡ.
III. Sứ Điệp Hy Vọng
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thường nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu châm ngôn sau đây: “Thất bại lớn nhất của đời người là mất niềm hy vọng”. Điều này không những đúng trên bình diện nhân bản, xã hội, nhưng còn đúng cả trên bình diện thiêng liêng. Thật vậy, mất niềm hy vọng đồng nghĩa với việc mất niềm tin vào Thiên Chúa, vào quyền năng và tình thương không bờ bến của Thiên Chúa. Nói cách khác, người mất niềm hy vọng không những đánh mật cuộc đời mình ở trần thế, nhưng còn đánh mất cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Vì thế, mất niềm hy vọng là thất bại lớn nhất của đời người.
Nhưng làm thế nào để nuôi dưỡng niềm hy vọng trong cuộc sống? Câu trả lời này đã được Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI giải đáp trong Thông Điệp Spe Salvi của Ngài khi nhắc lại gương sống của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận như sau: “Bối cảnh thiết yếu đầu tiên cho việc học hỏi hy vọng là cầu nguyện. Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn… nhưng nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn đơn côi. Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một người tù trong 13 năm, trong đó có 9 năm bị biệt giam, đã để lại cho chúng ta cuốn sách nhỏ quí giá: Cầu Nguyện Hy Vọng. Trong vòng 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như là tuyệt vọng, sự kiện là ngài có thể lắng nghe và thân thưa với Chúa đã trở nên một quyền năng hy vọng gia tăng cho ngài, khiến ngài, sau khi ra khỏi tù, đã trở nên một chứng nhân hy vọng cho dân chúng trên toàn thế giới – chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen của cô liêu.” (Spe Salvi 32)
Và Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI tiếp tục: “Để lời cầu nguyện phát triển được sức mạnh thanh tẩy, một đàng lời cầu nguyện ấy phải là cái gì đó rất riêng tư, là một cuộc gặp gỡ giữa thâm sâu của chính tôi với Chúa, Thiên Chúa hằng sống. Đàng khác, lời cầu ấy phải luôn được hướng dẫn và soi sáng bởi những kinh nguyện quý giá của Giáo Hội và của các thánh, và bởi lời cầu phụng vụ, trong đó Chúa dạy đi dạy lại chúng ta làm thế nào cầu nguyện cho xứng hợp. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, trong quyển sách của ngài về luyện đàng thiêng liêng, nói với chúng ta rằng trong cuộc đời ngài, có những thời gian dài ngài đã không thể cầu nguyện được và ngài đã phải bám lấy những kinh nguyện của Giáo Hội như kinh Lậy Cha, kinh Kính Mừng và các kinh nguyện phụng vụ. Cầu nguyện phải luôn luôn có sự pha trộn giữa lời cầu nguyện chung và cá nhân. Đây là cách thế chúng ta có thể thân thưa với Chúa và Chúa nói với chúng ta. Trong đường lối này, chúng ta trải qua những cuộc thanh tẩy, qua đó, chúng ta mở lòng mình ra cho Chúa và sẵn sàng cho việc phục vụ đồng loại. Chúng ta trở nên có khả năng cho niềm hy vọng vĩ đại, và do đó, trở thành các thừa tác viên của niềm hy vọng cho kẻ khác. Hy vọng trong ý nghĩa Kitô giáo luôn luôn cũng là niềm hy vọng cho những người khác… (Spe Salvi 33)
Như vậy, để có thể trở thành chứng nhân hy vọng, chúng ta không có con đường nào khác ngoài việc cầu nguyện. Cầu nguyện chính là trường dạy hy vọng như lời quả quyết của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI. Và với niềm hy vọng không lay chuyển vào Thiên Chúa, chúng ta chắc chắn sẽ luôn sống an bình hạnh phúc ngay cả khi gặp thử thách, đêm đen của cuộc sống.
Ước mong gương sáng của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, sẽ giúp mỗi người chúng ta “tiến lên trên con đường đức tin sống động, đức tin thắp lên niềm hi vọng và hoạt động qua đức ái” (Lumen gentium, 41).
Vietcatholic.net