Gm Micae Hoàng Đức Oanh
Diễn văn chào mừng Đức TGM Leopoldo Girelli
của Đức giám mục giáo phận Kontum
ngày 9-09-2011
Trọng kính Đức Tổng,
Hôm nay, đông đủ đại diện mọi thành phần dân Chúa trong giáo Phận Kontum qui tụ về đây để đón chào và chào mừng Đức Tổng, Vị đại diện hữu hình của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đến thăm giáo Phận Kontum chúng con.
Trước 1932, Kontum là vùng truyền giáo Tây Nguyên gồm 4 tỉnh Kontum, Pleiku, Đăk Lăk và Attôpư. Sau 1932, miền truyền giáo này đã được nâng lên thành một giáo phận Tông Toà. Năm 1944, phần Attôpư được cắt về với Giáo hội Lào. Năm 1967, một phần lãnh thổ đã được cắt sát nhập với một phần của giáo phận Đà Lạt thành một giáo phận mới: giáo phận Ban Mê Thuột. Vào năm 1972, Đức cha Phaolô Seitz Kim đã có chương trình xin Toà Thánh chia phần còn lại thành hai giáo phận mới: Kontum và Pleiku. Hiện chúng con cũng đang mong Toà Thánh sớm cho thực hiện chương trình này, để công cuộc loan báo Tin Mừng được phát triển mạnh mẽ hơn.
Người có công khai sáng miền truyền giáo này phải kể hàng đầu là Đức cha Stêphanô Cuenot [Thể], vị giám mục tông tòa cuối cùng của giáo phận tông toà Đàng Trong. Sau ngài phải kể đến Thày Sáu Phêrô Nguyễn Do và ông Bok Kiơm, viên tù trưởng sắc tộc Bahnar. Tuy ông không lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, nhưng ông được coi như là một Cyrus của miền truyền giáo này. Bất chấp mọi gian nan thử thách, nào là miền xuôi cấm đạo gay gắt, nào là khí hậu khắc nghiệt, nào là ngôn ngữ cùng phong tục tập quán khác nhau cùng với đủ thứ khó khăn khác, Đức cha Cuenot vẫn quyết tâm mở cho được con đường truyền giáo lên Tây Nguyên và sang tận Hạ Lào.
Giáo phận Kontum ngày nay trải dài dọc quốc lộ 14 và quốc lộ 19 trên diện tích hơn 25.000 km2, chưa kể phần diện tích của tỉnh Phú Bổn bị sát nhập vào tỉnh Đăk Lăk sau năm 1975 với số dân hơn 1.700.000. Số dân nơi đây có thể sẽ tăng nhanh nếu đà di dân tự do từ khắp các vùng đất nước tiếp tục tuốn lên lập nghiệp dọc theo trục 3 trong 4 xa lộ Bắc Nam – xa lộ 14 (đường Hồ chí Minh), xa lộ 14c (dọc sát biên giới Lào-Campuchia) và xa lộ Đông Trừơng Sơn (nối Tp Đà Lạt và Măng Đen, Kon Plông. Xa lộ thứ 4 là Quốc lộ 1). Cả 3 đều đi ngang qua giáo phận này. Chắc chắn, từ đó, sẽ có nhiều biến động ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của cuộc sống như môi trường, văn hoá, sắc tộc, tôn giáo, xã hội… và cũng có nhiều thách đố đặt ra cho các nhà thừa sai của Tin Mừng sự thật và yêu thương trên vùng truyền giáo này.
Nhìn lại suốt bao năm tháng qua, giáo phận chúng con phải vượt qua liên tục bao gian nan thử thách. Trong chiến tranh, nhiều nhà thờ đã bị tàn phá bình địa. Các cơ sở đào tạo, giáo dục, bác ái xã hội và tài chánh đã bị tịch thu. Ruộng, vườn, đồn điền cũng được quốc hữu hóa. Tất cả hầu như trở lại số không! Trong khi đó, giáo dân phải di tản nhiều lần xa nhà, bỏ lại phía sau tất cả tài sản, ruộng rẫy! Đặc biệt, 3 lần phải chạy loạn xuống tận Nha Trang hoặc tới Sài Gòn hay Lục Tỉnh. Thật khốn đốn! Số lớn không quay trở về. Họ ở lại miền xuôi hoặc vượt biển ra sinh sống ở nước ngoài. Số trở về nhìn cảnh nhà trống vắng và vào làm ăn tập thể ngay, nên rất hoang mang và ngao ngán. Hơn nữa khi hay tin Đức giám mục giáo phận Phaolô Seitz [Kim] và các vị thừa sai được mời rời khỏi miền đất mà họ đã gắn bó suốt bao năm tháng để về Pháp, dân chúng lại càng hoang mang lo sợ gấp bội. Số giáo dân đã tụt xuống quá nửa, số linh mục từ 105 lại chỉ còn 45. Cũng chỉ 13 năm sau (1975-1988), vỏn vẹn còn lại 30 vị. Phải đợi tới ngày 06-11-1991, mới có thêm một linh mục mới, cha Luy Nguyễn Quang Vinh, được truyền chức tại nhà thờ Đức An, Pleiku. Số nữ tu còn ở lại không quá 100 chị em thuộc 6 hội dòng. Đứng trước tình trạng “bi đát” như thế, tạ ơn Chúa, chúng con đã biết cùng nhau chạy đến với Chúa, đến với Lời của Ngài và chấp nhận việc đào tạo nhân sự như một ưu tiên hàng đầu trong bậc thang mục vụ.
Lời Chúa thực sự đã là “Ngọn đèn soi cho chúng con bước, là ánh sáng chỉ đường chúng con đi”. Lời Chúa đã soi sáng giúp chúng con biết đọc ra được các dấu chỉ thời đại và vững tâm tiến bước trên con đường chứng nhân loan báo Tin Mừng. Phong trào Lời Chúa được phát triển rộng khắp. Chương trình “Người người Tân ước, nhà nhà Kinh Thánh” được nhân rộng. Gia đình và xứ đạo được khích lệ trở thành những “tiền-chủng-viện” hoặc “tiền-đệ-tử-viện” với hệ thống gia đình ơn gọi có Gia đình Phanxicô Xaviê bảo trợ được tổ chức tại các giáo xứ. Bên cạnh còn có hệ thống nội trú để giúp con em, nhất là con em các dân tộc và người nghèo, có chỗ an tâm học tập và được bù đắp những thiếu vắng trong hệ thống giáo dục của chế độ vô thần duy vật. Tạ ơn Chúa, đây cũng là một nguồn cung cấp ơn gọi cho các chủng viện và tu viện. Ngoài ra chúng con còn có 12 ngày truyền thống dành cho 12 giới trong giáo phận. Những ngày này, chúng con quy tụ sinh hoạt với nhau theo luân phiên một năm sinh hoạt theo cấp giáo phận, một năm theo miền Pleiku hoặc Kontum. Những ngày truyền thống này giúp nâng đỡ, hun đúc và bồi dưỡng đời sống đức tin và phục vụ của các thành phần dân Chúa.
Trọng kính Đức Tổng,
Hôm nay, Đức Tổng thấy chúng con vui. Chúng con cũng thấy Đức Tổng vui. Tất cả cùng vui vì tất cả đều cảm nghiệm được Chúa yêu thương và đều thấy những việc Chúa làm thật huyền nhiệm! Ngài là chủ lịch sử. Chúng con vui khi đọc ra được những chặng đường quan phòng của Chúa “thật quanh co khúc khuỷu”, nhưng lúc nào cũng được viết “bằng những chữ thẳng”.
Giờ đây, kính xin Đức Tổng vui lòng nhận những tâm tình quý mến và biết ơn của cả gia đình giáo phận chúng con qua nghi lễ trao còng tay và chít dây thân ái theo tập tục của người dân bản địa chúng con. Chiếc còng được đeo vào tay nói lên sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình giáo phận với Đức Tổng; vòng dây thân ái được quấn trên đầu để nói lên mối dây hiệp thông khó quên.
Chúng con cũng xin Đức Tổng vui lòng chuyển lên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI lòng hiếu thảo, trung thành và tình huynh đệ thắm thiết của chúng con đối với Mẹ Hội Thánh nói chung, và với Vị Cha Chung, đại diện Đức Kitô dưới trần gian nói riêng.
Chúng con xin kính chào và cám ơn Đức Tổng. Kính xin Đức Tổng cầu nguyện và chúc lành cho chúng con.
Đa tạ.
Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục giáo phận Kontum
Nguồn: WHĐ