Bầu không khí đạo hạnh và vui tươi của tuần lễ Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid đã được Giáo Hội tối đa hóa bằng cách tránh không nói tới mối căng thẳng vốn hết sức nặng nề giữa chính phủ xã hội chủ nghĩa Tây Ban Nha của ông Zapatero và Giáo Hội Công Giáo, qua các đạo luật cho phép phá thai và hôn nhân đồng tính. Các căng thẳng này vẫn còn đó và vẫn xuất hiện lộ liễu trong những ngày đầy hân hoan này.
Thực vậy, tờ La Stampa ngày 22 tháng 8 cho chạy hàng tít: Phu nhân Zapatero: hoàng hậu chống Đức Giáo Hoàng. Vì bà là bà vợ duy nhất của các chính khách Tây Ban Nha nhất định không chịu gặp Đức Bênêđíctô XVI trong suốt mấy ngày ngài ngụ tại thủ đô Tây Ban Nha. Và thực tế, bà không hề xuất hiện tại bất cứ biến cố nào của tuần lễ những Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2011. Đây là lần đầu tiên, một đệ nhất phu nhân không tham dự cuộc nghinh đón vị giáo hoàng tới viếng thăm nước mình. Ngược lại, chồng bà đã gặp Đức Bênêđíctô XVI đến hai lần.
Lần đầu tiên, trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông đã cùng Vua Juan Carlos và hoàng hậu Sophia nghinh đón Đức Giáo Hoàng tại sân bay quốc tế Madrid. Thành phố này chuẩn bị hơn bao giờ hết để đối phó với bất cứ cuộc tấn công nào, dù ETA (1) không còn là mối lo nữa, vì họ đã tuyên bố đình chiến vào hồi tháng Giêng năm nay. Hệ thống an ninh mà chính phủ xã hội chủ nghĩa của Thủ Tướng José Luís Rodríguez Zapatero sắp về vườn khai triển là một trong hai hệ thống lớn nhất từng được khai triển sau thời Franco. Hệ thống kia được khai triển dịp hôn lễ của Đông Cung Thái Tử Philippe, con đầu lòng của Vua Carlos. Dịp đó, nửa số quốc vương và hoàng hậu của thế giới và nhiều quốc trưởng cũng như thủ tướng các quốc gia tới tham dự.
Chẳng qua vì cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào tháng 11 khiến chính phủ Zapatero không muốn có bất cứ sự lộn xộn nào. Tuy nhiên, theo tờ Il País, cũng là vì họ không muốn làm phật lòng Đức Giáo Hoàng. Mười nghìn cảnh sát viên và dân phòng đã được phối trí để canh chừng từng bước đi của ngài cũng như để ý tới đám đông vĩ đại gồm hàng triệu người trẻ tuốn vào thủ đô. Cảm tình nồng hậu mà Đức Giáo Hoàng tỏ bày với thành phố này trong suốt chuyến viếng thăm cho thấy Tây Ban Nha “da trắng” đang ngẩng cao đầu một lần nữa sau 8 năm cai trị của Zapatero và cuộc thí nghiệm xã hội chủ nghĩa từng làm cho Vatican và hàng giám mục Tây Ban Nha bất mãn. Theo nhiều cuộc thăm dò, Đảng Nhân Dân (Partido Popular) dưới sự lãnh đạo của Mariano Rajoy, một người Công Giáo, chắc chắn sẽ thắng cuộc tuyển cử tháng Mười Một. Tây Ban Nha đã bỏ rơi José Luís Rodríguez Zapatero, người sẽ không ra tranh cử vào tháng Mười Một tới, từ những cuộc bầu cử miền và địa phương hồi mùa xuân năm nay. Việc vắng mặt của phu nhân Zapatero trong các lần gặp gỡ chính thức với Đức Giáo Hoàng khiến giới truyền thông liên kết bà với những cuộc biểu tình chống Đức Giáo Hoàng gần đây.
Sau những năm căng thẳng, Tòa Thánh đã mở một trang mới với Zapatero, “tên phá hoại Kitô Giáo”, tiếp theo một cuộc chuyện trò thân mật giữa Đức Bênêđíctô XVI với thủ tướng xã hội chủ nghĩa Tây Ban Nha vào thứ sáu tuần qua. Tờ El Mundo của Tây Ban Nha viết rằng: “Rôma vui vẻ mở trang mới với Zapatero, như thói quen trong chiến thuật ngoại giao tinh tế của Tòa Thánh, chứ không ấn con giao của mình sâu hơn”. “Zapatero đang rời chức vụ của mình và Đức Giáo Hoàng đã tiếp đãi ông một cách thân ái: nhưng ông cũng không còn gây lo ngại cho Giáo Hội nữa và cây cầu bằng bạc đã được bắc cùng với nước thánh dành cho kẻ thù đang trốn chạy”. Trong cuộc gặp gỡ tại Toà Sứ Thần Tòa Thánh tại Madrid, Đức Giáo Hoàng tặng thủ tướng xã hội chủ nghĩa, cha đẻ của các đạo luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và phá thai, một cây bút bằng bạc. Ông vốn được mô tả là “kẻ thù dữ dằn nhất trong những năm gần đây” của Giáo Hội Tây Ban Nha. Các giám mục nước này thường gọi ông là “tên phá hoại Kitô Giáo, một người giương cao lá cờ của chủ nghĩa duy thế tục và tệ hơn nữa còn gọi ông là người bách hại Giáo Hội”. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ tại Tòa Khâm Sứ, Đức Bênêđíctô XVI không nhắc chi đến những chuyện đó, trái lại đã cùng ông thảo luận về tình hình kinh tế Châu Âu, cuộc khủng hoảng trầm trọng về nhân đạo ở Vùng Sừng Châu Phi và những cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập.
Đây là cuộc gặp gỡ thứ năm giữa hai nhân vật này và có lẽ là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai vị. Trong khi ấy, Đức Bênêđíctô XVI cũng gặp mặt thủ lãnh đối lập người Công Giáo là Mariano Rajoy, tại phòng áo lễ của nhà thờ chính tòa Almudena. Cuộc gặp mặt này hiện nay không chỉ còn là một cử chỉ lịch sự nữa. Vì mọi cuộc thăm dò đều tiên đoán rằng Rajoy sẽ thắng cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Đương kim thủ tướng sẽ không ra tranh cử, vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang giáng cho ông một đòn chí tử. Mọi cuộc thăm dò đều cho thấy mức ủng hộ ông đã xuống rất thấp và ứng cử viên xã hội chủ nghĩa là Alfredo Rubalcaba thua Rajoy đến 10 điểm. Lãnh tụ Đảng Nhân Dân đã tuyên bố rằng ông sẽ tu chính hay bãi bỏ các đạo luật từng làm đau đầu Vatican và các giám mục Tây Ban Nha trong mấy năm qua. Nhất là các đạo luật cho phép phá thai, hôn nhân đồng tính, ly dị chớp nhoáng (express divorce) và an tử. Việc lên cầm quyền của tân chính phủ bình dân sẽ đem lại một thúc đẩy mới cho chiến lược tân phúc âm hóa của Giáo Hội tại Châu Âu hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề của làn sóng tục hóa và chủ nghĩa duy tương đối.
Cuộc “trở lại” từ thù thành bạn
Trước đó, ngày 18 tháng 8, nhân cuộc gặp gỡ giữa Đức Bênêđíctô XVI và Zapatero tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Madrid, cũng tờ báo trên cho chạy hàng tít: Ngày Giới Trẻ Thế Giới, Cuộc “Trở Lại” của Zapatero từ thù thành bạn.
Theo bài báo trên, Madrid đang gửi nhiều tín hiệu ngoại giao đầy khích lệ tới Văn Phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến các liên hệ giữa Vatican và chính phủ tiền đạo của chủ nghĩa duy thế tục. Kể từ những cuộc chiến tranh nặng nề bằng lời giữa chính phủ và hàng giám mục Tây Ban Nha về hôn nhân đồng tính và nền giáo dục Công Giáo, Zapatero đang mở ra một con đường đối thoại với Vatican. Sự đóng góp của ông cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã vượt quá cả mong ước của Tòa Thánh và có người cho rằng đạo luật phá thai của ông không đến nỗi như Vatican từng nghĩ. Chính vì thế, phe phò phá thai cũng như các phong trào chống giáo hoàng đã lên tiếng chỉ trích ông khá nặng nề.
Cách cứng rắn đương đầu với những cuộc biểu tình của nhóm Bất Mãn (Indignados) và với những người phản đối Đức Giáo Hoàng quả đã đánh dấu khúc quẹo thực sự của Zapatero trong thái độ đối với Vatican, vì rõ ràng ông ta đã chọn một thứ “ostpolitik” (chính trị xích gần nhau) đầy tính hoà giải và hợp tác đối với Tòa Thánh. Thật khác với lúc mới chiến thắng Aznar, một người Công Giáo hạng nặng, với chính sách duy thế tục cực đoan, ông đã khiến nhiều giới chức của Vatican buông ra nhiều so sánh tiêu cực, đến độ coi ông “còn tệ hơn Fidel Castro” vì thái độ chống Giáo Hội của ông. Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha cho rằng sở dĩ Zapatero dịu giọng đi là vì những thất bại trong các cuộc bầu cử cấp địa phương và vì tỷ lệ chấp thuận của dân chúng đối với ông xuống thấp, ông không muốn thách thức hàng triệu người Công Giáo nữa, những người từng xuống đường phản đối các chính sách duy thế tục của ông.
Mặt khác, trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, các giúp đỡ của Giáo Hội để đạt được một nền hòa bình xã hội là điều mà nước ông không thể không cần tới. Thủ Tướng Tây Ban Nha vốn hy vọng mình không lâm vào cảnh này, nhưng Giáo Hội tỏ ra hết sức cương quyết trong hành động xuống đường để phản đối các sáng kiến có tính xã hội chủ nghĩa về hôn nhân đồng tính, luật sửa đổi ly dị và trên hết luật về giảng dạy tôn giáo. Giáo Hội đang chuẩn bị tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ tại Madrid vào tháng 12 tới. Người ta còn nhớ năm 2004. Lúc ấy quả là một cuộc chiến tranh công khai giữa Giáo Hội và chính phủ. Ủy Ban Giáo Dục của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha đã huy động các giáo phận cũng như các phong trào, hiệp hội và đoàn thể Kitô Giáo chống lại “sự kỳ thị mà chính phủ này muốn khuyến khích qua việc giảng dạy tôn giáo”. Ủy Ban nhiều lần lên tiếng chỉ trích thái độ của chính phủ xã hội chủ nghĩa, một thái độ được Ủy Ban mô tả là “đóng cửa đối thoại”.
Ghi chú
(1) ETA, viết tắt của Euskadi Ta Askatasuna, tức Phong Trào Tổ Quốc Và Tự Do Cho Basque, một tổ chức đòi độc lập của người Basque.