ROMA - Từ năm 2006, các nhà thờ là mục tiêu của hơn 200 vụ tấn công ở Indonesia, nhưng chính phủ nước này tự chứng tỏ là "khá miễn cưỡng" trong việc bảo vệ nhóm thiểu số Kitô hữu hiện diện trên đất nước, theo Chủ tịch Diễn đàn Truyền thông Kitô giáo ở Jakarta và Tổng thư ký Uỷ ban các Tôn Giáo vì Hòa bình ở Indonesia, Theophilus Bela, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tổ chức “Trợ giúp cho Giáo hội thiếu thốn” (AED).
Trong cuộc phỏng vấn này, Theophilus Bela nói có 14 cuộc tấn công diễn ra trong 5 tháng đầu năm nay, và 46 vụ tấn công khác trong năm 2010.
Ông cáo buộc chính quyền của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono không hành động đủ mạnh để chống lại nạn bạo lực Hồi giáo chống Kitô giáo. Ông nói: “Tổng thống ngủ ... và nếu tổng thống ngủ, cảnh sát cũng ngủ”.
Kể từ khi ông Yudhoyono lên làm tổng thống vào năm 2004, các nhà thờ đã bị tấn công 286 lần, nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào khác, ngoại trừ thời điểm biến động chính trị trong nước vào cuối thập niên 1990.
Theo Theophilus Bela, gần 28,5 triệu Kitô hữu ở Indonesia vẫn là mục tiêu đặc biệt của các vụ bách hại chống tôn giáo tại nước này.
Tại Indonesia, chỉ có 3% dân số là Công giáo, và 6% là Tin lành, so với đại đa số là người Hồi giáo (86%).
Sự xuất hiện của các Kitô hữu từ nông thôn tại các thành phố, để tìm việc làm sau khi chính phủ đầu tư vào các nhà máy và các hoạt động khác, vốn bị người Hồi giáo nhìn nhận không thiện cảm, đã góp phần vào sự gia tăng các vụ tấn công cực đoan. (Zenit 23-6-2011)