Theo kế hoạch y tế của chính phủ Obama, bắt đầu năm tới, các phụ nữ Mỹ sẽ được sử dụng các loại thuốc ngừa thai mà không phải trả một xu. Thực vậy, một tháng trước đây, Viện Y Khoa (IOM) đã khuyến cáo phải xếp các loại thuốc ngừa thai và thủ tục triệt sản vào hàng “các dịch vụ phòng ngừa”. Tiếp theo khuyến cáo này, Kathleen Sebelius, bộ trưởng Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản (HHS) đã kết luận rằng “Không [bao gồm các thuốc ngừa thai] cũng giống như không bao gồm việc chích ngừa bệnh cúm”. Tóm lại, theo Sebelius và chính phủ hiện thời, phụ nữ có quyền căn bản được hưởng việc chăm sóc y tế; và việc sử dụng thuốc ngừa thai miễn phí là một thành phần cốt yếu trong quyền căn bản này.
Trước quyết định này của HHS, các nhóm bảo thủ hết sức bất bình. Họ cho rằng ngoài cái chủ trương đáng nghi ngờ là phụ nữ có quyền căn bản được hưởng việc hạn chế sinh sản miễn phí hay được hưởng chăm sóc y tế miễn phí, điều đáng ngại nhất là trong quyết định này, việc bảo vệ quyền lương tâm không được lưu ý bao nhiêu.
Jeanne Monahan, giám đốc Trung Tâm Nhân Phẩm thuộc Hội Đồng Nghiên Cứu Gia Đình (“Family Research Council’s Center for Human Dignity”) nhận định rằng: “HHS đã đưa ra khoản bảo vệ lương tâm to bằng cái lá vả cho một số giáo hội hội đủ một số tiêu chuẩn hết sức đặc thù. Tuy nhiên, các nhóm tôn giáo chuyên cung cấp các dịch vụ xã hội hay đang dấn thân vào các sứ bộ bên cạnh các tín ngưỡng tôn giáo khác, các công ty bảo hiểm y tế tôn giáo, và các cơ quan chăm sóc y tế tôn giáo cũng như các cá nhân trong các kế hoạch này thì không hề được bảo vệ khỏi bất cứ sự phân biệt kỳ thị nào. Luật lệ mới sẽ cưỡng bức nhiều người Mỹ vi phạm lương tâm họ hay từ khước không tham gia việc bảo hiểm y tế, do đó sẽ gây thêm gánh nặng cho một hệ thống vốn đã nặng gánh lắm rồi”.
Mặt khác, vì các thứ thuốc như Ella và Plan B cũng được liệt kê vào danh sách này, nên không phải chỉ những người chống đối ngừa thai mới lo lắng, vì hai loại thuốc này rõ ràng là thuốc phá thai, chứ không phải chỉ là ngừa thai. Những người chống phá thai tất nhiên cũng lo ngại không kém trước quyết định này.
Như thường lệ, những người ủng hộ quyết định này một cách ồn ào hơn cả chính là những người thuộc các nhóm có khuynh hướng ủng hộ phá thai. Và giọng điệu của những người này thì luôn luôn có tính rất thâm độc. Cynthia Pearson, thuộc Hệ Thống Sức Khỏe Phụ Nữ Quốc Gia (National Women’s Health Network), nhận định như sau để ủng hộ quyết định này: “Trải dài từ thế hệ bà tới thế hệ cháu gái, ta mới chuyển được từ việc kiểm soát sinh sản chỉ là một một hy vọng, một kỳ vọng, và gần như một cầu may, sang việc nó được nhìn nhận như thành phần của chăm sóc y tế nhằm cải thiện sức khỏe phụ nữ”.
Những người trên không hề lưu ý gì tới sự kiện này là hiện ta có nhiều phương pháp thay thế cho việc kiểm soát sinh sản nhân tạo và tỷ lệ thành công của những phương pháp này hiện vượt xa tỷ lệ thành công của thuốc viên, bao cao xu hay bất cứ dụng cụ vật lý và hóa học nào khác (xem
www.physiciansforlife.org/content/view/192/36/). Vả lại, sự kiện hiển nhiên vẫn là: ngay trong số các phụ nữ có sinh hoạt tính dục cao, tỷ lệ sử dụng kiểm soát sinh sản nhân tạo cũng chỉ gần bằng một đối một mà thôi, nên khó có thể biến việc kiểm soát sinh sản thành một thứ quyền hay đồng hóa nó với một điều ta có bổn phận phải tải trợ.
Điều lo ngại hơn cả trong quyết định của HHS là việc không bắt người sử dụng phải “cùng trả” (copay). Rõ ràng đây là một mưu toan lôi kéo các phụ nữ khó khăn về kinh tế. Ngoài việc biến thuốc ngừa thai và việc triệt sản thành sản phẩm ai cũng có quyền đồng đều sử dụng, quyết định này còn nhấn mạnh tới việc coi họ như là những người thụ hưởng hàng đầu của kế hoạch này. Ngoài ra, bãi bỏ việc “cùng trả” đối với thuốc ngừa thai sẽ mở rộng cửa cho hàng loạt những biện pháp xấu xa khác trong tương lai. Thí dụ, người chịu thuế không những phải tài trợ cho việc phân phát thuốc viên, thuốc Ella và Plan B, mà họ còn phải tài trợ nhiều phương pháp kiểm soát sinh sản mới hơn, tiến bộ hơn như các phương pháp mổ xẻ đắt tiền hơn. Các phương pháp này chắc chắn sẽ làm ta sao lãng, không còn chú tâm tới những lãnh vực thực sự cần thiết hơn.
Cũng sẽ không quá đáng khi cho rằng nâng việc sử dụng thuốc ngừa thai và phá thai lên hàng một “quyền căn bản” không những chỉ có hại cho các thai nhi, mà còn có hại cho chính các phụ nữ và cả quốc gia nói chung nữa. Trách nhiệm trong lãnh vực sức khỏe tính dục không thể rút gọn vào các giải pháp vá víu cho các vấn nạn có thực. Ai cũng đồng ý rằng con số các vụ thai nghén ngoài ý muốn hiện nay rất cao và là điều ta phải giải quyết. Nhưng chỉ chữa chạy triệu chứng mà không chữa chạy nguyên nhân thì rõ ràng là dấu hiệu của thiển cận; và có thể nói, là dấu hiệu của bất lực về phía chính phủ hiện nay, nhất là Sebelius và Obama.
Thay vào đó, ta cần một giải pháp không dựa vào xúc cảm nhất thời mà dựa vào nền tảng của lý trí và sự khôn ngoan chân chính. Phải lưu ý tới phẩm giá của tính dục và bản vị nhân bản, cả của người phụ nữ lẫn những đứa con của họ. Mặt khác, người ta cũng phải tìm cách bảo vệ ý nghĩa và sự trường tồn của các quyền dân chủ. Khi ta xếp việc kiểm soát sinh sản ngang hàng với quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, một điều gì đó đã thành lệch lạc. Và những vấn nạn do đó mà ra có thể sẽ gây nguy hại cho những quyền thực sự căn bản và phổ quát của ta.
Theo Andrew Haines, chủ tịch Trung Tâm Luân Lý Trong Đời Sống Công (Center for Morality in Public Life
www.cfmpl.org). Hãng tin CNA, ngày 4 tháng 8, 2011