Xaibouathong, Lào - "Chúng mình hãy đi kiếm bom chơi nhé” thực sự là không phải điều bạn muốn nghe từ các em nhỏ.
Tuy nhiên, ở Lào, một quốc gia giáp với Việt Nam, bạn không bao giờ biết những gì bạn sẽ nghe về các chất nổ chết người.
Tôi đang ngồi với Bounma, một thiếu niên có chân phải lỗ chỗ nhiều vết sẹo mảnh bom.
Khi Bounma lên bảy tuổi, em và một đứa bạn đi vào rừng, để bắn chim. Đứa bạn biết là một số bom có kích thước và hình dạng của quả bóng quần vợt nằm rải rác xung quanh. Đứa bạn biết là hai đứa sẽ vui.
Bounma và đứa bạn của mình tìm thấy một quả bom màu vàng. Hai đứa ném quả bom qua lại vài lần, nhưng không gì xảy ra. Sau đó, đứa bạn quyết định ném bom vào một mảnh kim loại, và nó phát nổ.
Đứa bạn chết ngay tại chỗ.
Bounma được đưa tới bệnh viện - ở nông thôn Lào, có nhiều con trâu đi trên đường, nên nó không thể "đi nhanh" được - và sống sót.
Câu chuyện của Bounma diễn ra năm này qua năm khác, nhiều thập kỷ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Trong chiến tranh, Lào đã trở thành quốc gia bị đámh bom nhiều nhất thế giới, nếu tính số lượng bom ném xuống so với đầu người của Lào.
Không phải tất cả các quả bom đều phát nổ tại chỗ; hầu hết các tổ chức ước tính rằng hàng triệu quả bom nhỏ vẫn phát nổ.
Bạn có thể nghĩ rằng sau 40 năm các bom ấy sẽ sét gỉ hoặc không hoạt động nữa, nhưng không phải như vậy.
Đồng nghiệp Lào của tôi tại Cơ quan Cứu Trợ Công Giáo nói: “Tôi không hề biết đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua Lào".
Tôi cảm thấy tốt hơn về sự thiếu hiểu biết của mình. Đường mòn này – được người Việt Nam dùng để vận chuyển thiết bị quân sự - chỉ có một phần nhỏ tại Việt Nam, phần lớn con đường này nằm trên đất Lào.
Để cắt đường tiếp tế thiết bị quân sự, các máy bay ném thả tất cả các loại bom - bao gồm cả bom dài hình ngư lôi và bom nhỏ như trái bóng quần vợt, được gọi là bom chùm, vốn được thả ném khi một quả bom lớn hơn mở ra. Sau đó, bom chùm nằm phân tán khắp nơi.
Một số trẻ em không biết bom là gì; các em lượm bom và chơi với bom. Các em khác biết bom là gì, nhưng cứ nghĩ rằng nếu mình ném bom đi thật xa, thì bom không gây thương tích cho mình.
Một trong các đồng nghiệp của tôi ở Cơ quan Cứu trợ Công giáo làm như thế hồi cậu lên 11 tuổi. Anh nói: “Tôi là một đứa trẻ mà. Tôi muốn nghe tiếng nổ bùm của bom”. May mắn cho anh, anh không bị thương. (CNA 23-7-2011)
Phạm Kim An